Welcome to Tien Ngoc Company Giỏ Hàng

Giải pháp xử lý rác hữu cơ tại nguồn

Ông Trương Anh Tuyền, Giám đốc Công ty Tiến Ngọc trao đổi với đội ngũ kỹ thuật về máy chế biến rác thải thành compost sau 24 giờ

Ở Việt Nam, xử lý rác thải đang là một vấn đề nan giải.

Tại các đô thị, những bãi rác chôn lấp đang bị quá tải, gây ô nhiễm môi trường và trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất nhưng trong thực tế còn thiếu tính khả thi. Mới đây, sự ra đời của máy chế biến rác thải thành compost (phân bón hữu cơ) do các kỹ sư người Việt thiết kế đang được cộng đồng quan tâm.

Phân loại rác – Bài toán khó giải

Theo các nhà nghiên cứu, lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam nói chung và ở TPHCM nói riêng có thành phần rác hữu cơ chiếm khoảng 64%, rác vô cơ khoảng 33% và rác không thể thiêu hủy là 3%. Trong đó, nguồn chất thải rắn hữu cơ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm mùi trong quá trình thu gom vận chuyển và tại bãi chôn lấp.

Theo phương pháp thu gom xử lý truyền thống, rác không phân loại, được tập trung từ các hộ dân và nguồn thải như: chợ, nhà máy, cơ quan trường học… rồi vận chuyển đến nhà máy xử lý bãi chôn lấp. Phương pháp này phát sinh ô nhiễm mùi và không thể khắc phục triệt để do hàm lượng ẩm trong rác hữu cơ rất cao. Chưa kể, từ khi rác được thải ra khỏi nguồn thì giữa hai chu kỳ lấy rác là hơn 12 giờ, sau đó từ lúc thu gom đến khi được vận chuyển chôn lấp cần thời gian là hơn 12 giờ nữa (ở TPHCM sau 21 giờ xe mới được vào bãi chôn lấp). Như vậy rác từ khi rời nguồn thải, nhanh nhất sau 36 giờ sau mới được xử lý. Trong thời gian đó do bị gom đống, ủ kín, rác sẽ bị phân hủy yếm khí tạo ra mùi và nước rỉ rác. Quy trình thu gom và xử lý rác theo phương thức này đã tạo ra một số hệ lụy: Ô nhiễm phát sinh trong quá trình xe thu gom vận hành, thiếu diện tích cho nơi thu gom, trạm trung chuyển, bãi chôn lấp cũng tốn nhiều quỹ đất…

Trên thế giới hiện nay, quy trình xử lý rác đã được chuẩn hóa. Rác hữu cơ: xử lý bằng máy thành phân compost đem bón cho cây trồng, cải tạo đất hoặc tạo thành sinh khối khô, có thể dùng làm nhiên liệu. Rác tiêu hủy được: đưa vào máy khí hóa tự động, phần khí sinh ra được quay lại máy để vận hành lò khí hóa. Lượng khí và nhiệt sinh ra được tận dụng vận hành phát điện, đủ bù cho lượng điện cần thiết để vận hành máy xử lý rác hữu cơ. Phần chất thải còn lại không thể phân hủy (khoảng 3%) mới đem chôn lấp.

Để có thể xử lý rác triệt để theo quy trình này, vấn đề mấu chốt vẫn là phân loại rác.

Phân loại rác tại nguồn là một chương trình được TPHCM thực hiện thí điểm từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi và là một hành trình khá gian nan.

Là một công ty chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ môi trường như: thùng đựng rác thải, xe cuốn ép rác, xe tưới rửa đường, xe hút chất thải… nhiều năm qua, Công ty TNHH SX-TM Tiến Ngọc là một trong những đơn vị luôn đồng hành cùng chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn tại TPHCM và nhiều tỉnh thành với nhiều sản phẩm chuyên biệt như: thùng 2 ngăn, 3 ngăn, túi phân loại rác tại các hộ gia đình… Công ty còn nỗ lực tổ chức nhiều buổi tập huấn phân loại rác đến tận người dân, ở từng khu phố và các vùng nông thôn mới… Ông Trương Anh Tuyền, Giám đốc công ty, trăn trở: “Các chương trình thí điểm phân loại rác ban đầu khá hiệu quả, nhưng sau đó giảm dần rồi chững lại. Có lẽ một phần do người dân chưa thấy được lợi ích thiết thực của vấn đề này…”. Chưa kể, trong thực tế, nhiều nơi vận động các hộ gia đình phân loại rác nhưng chưa triển khai đồng bộ, dẫn đến việc rác sau khi được phân loại tại hộ gia đình lại bị nhập chung vào thùng chứa, xe ép rác và đem đi đổ…

Phân loại rác tại nguồn, xử lý rác tại chỗ

Không chịu bó tay, để khuyến khích và tạo được sự đồng thuận của người dân, đồng thời đem lại những lợi ích thiết thực cho từng hộ gia đình trong việc phân loại rác tại nguồn, tìm kiếm giải pháp xử lý phần rác hữu cơ thành compost phục vụ cộng đồng trong việc bón cây trồng, xây dựng vườn rau sạch nơi phố thị, từ năm 2014 Công ty Tiến Ngọc đã nghiên cứu sản xuất thành công thùng rác compost được nhiều địa phương, ban ngành và hội nông dân ủng hộ. Sản phẩm này đã được cấp phát cho 37 trường học trên địa bàn TPHCM kết hợp với chương trình giáo dục phân loại rác (Báo SGGP ngày 26-5-2015 đã đăng bài Tận dụng thùng rác compost). Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, thùng compost đã bộc lộ một số hạn chế: thời gian phân hủy lâu hơn 90 ngày, không phân hủy được rác cứng, thực phẩm gia đình có nhiều thịt cá sẽ phân hủy không kịp, tạo các ấu trùng, còn nước rỉ rác…

Để khắc phục những hạn chế của thùng rác compost, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của công ty lại bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy xử lý rác hữu cơ phù hợp với nhiều tiêu chí: Xử lý rác tại chỗ nhanh sau khi phân loại rác, không kịp tạo mùi hôi và nước rỉ rác. Chỉ trong vòng 24 giờ, rác đã phân hủy trên 80% thành hơi nước và khí CO2, phần còn lại thành phân compost, rất tốt cho việc cải tạo đất, trồng rau hữu cơ. Sau hai năm nghiên cứu với rất nhiều thế hệ máy, đến nay máy xử lý rác hữu cơ đã hoàn tất và được đưa vào sử dụng thử nghiệm.

Máy xử lý nhanh rác thải hữu cơ có hệ thống máy kết hợp giữa kỹ thuật cơ khí chế tạo máy và cơ chế hoạt động của vi sinh gồm: máy xay nghiền răng 2 trục, máy khí hóa nhiên liệu khô. Rác thải hữu cơ sau khi đưa vào sẽ được nghiền bằng máy nghiền 2 trục tạo thành mảnh nhỏ. Máy phân hủy hiếu khí sẽ cung cấp đồng thời các điều kiện tối ưu về nhiệt độ, độ ẩm, ôxy, để tăng tốc quá trình hoạt động của vi khuẩn hiếu khí đã được đưa vào hệ thống, nên việc phân hủy rác hữu cơ xảy ra nhanh chóng trong vòng 24 giờ, không tạo ra nước rỉ rác, mùi nhẹ của rác phân hủy sẽ được xử lý hoàn toàn trước khi thải ra môi trường, quá trình phân hủy không tạo ra ấu trùng… Hệ thống máy nhỏ gọn, có thể trang bị cho nơi có nguồn rác hữu cơ, thực phẩm bếp ăn như: doanh trại quân đội, nhà máy, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, trang trại… hoặc khu dân cư có phân loại rác tại nguồn, với năng suất rác thải hữu cơ từ 20kg/ngày trở lên. Trong trường hợp ở một số nơi không có nhu cầu sử dụng phân compost, mà chỉ lấy sinh khối dưới dạng nhiên liệu khô, sau đó có thể tiếp tục phân hủy bằng máy khí hóa, tạo năng lượng cho các ứng dụng hữu ích khác…

Máy xử lý rác hữu cơ đã đem lại tiện ích cho người tiêu dùng trong việc xử lý triệt để nguồn rác hữu cơ ngay tại chỗ, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác đưa ra môi trường. Rác hữu cơ theo một vòng tuần hoàn được tái chế đưa vào sử dụng sẽ góp phần tiết kiệm và giảm tải nhiều vấn đề như: không tốn phương tiện thu gom vận chuyển, giảm kẹt xe, ô nhiễm, giảm bớt tiêu hao nhiên liệu, nhân lực, phương tiện vận chuyển rác từ nguồn đến bãi chôn lấp… Đây chính là nguồn động lực khi người dân thấy ý nghĩa của việc phân loại và xử lý rác tại nguồn vừa góp phần bảo vệ môi trường đồng thời cải thiện đời sống, sức khỏe cho cộng đồng.

Hiện nay, máy xử lý rác hữu cơ với năng suất 20kg/ngày đang được chạy thử nghiệm ở nhà vườn quận 2 và có hiệu quả tốt. Ông Tuyền cho biết: “Chúng tôi đang thiết kế máy lớn hơn và đưa vào sử dụng tại một số trường học, phối hợp với chương trình giáo dục phân loại rác tại nguồn. Các cháu nhỏ sẽ được thực hành và tận mắt thấy được hiệu quả của việc phân loại rác sau khi được tái chế và trực tiếp sử dụng làm phân bón cho vườn rau trong trường, phục vụ bữa ăn ngay tại trường học”.

Hiện nay máy xử lý rác hữu cơ tại nguồn đã làm hồ sơ đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ với nhiều dạng máy. Máy có quy mô xử lý 20 – 30kg rác/ngày và loại 50 – 100kg rác/ngày tùy theo lượng rác tại nơi phát thải như: bệnh viện, trường học, cơ quan, xí nghiệp nhà máy, chợ … Công ty hiện cũng đang nghiên cứu thiết kế máy xử lý rác phục vụ các hộ gia đình với quy mô khoảng 3 – 5kg rác/ngày.

(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Bỏ rác lấy lại phân

Hiệu quả sử dụng thùng rác compost của Công ty Tiến Ngọc được người dân đánh giá cao vì thời gian chứa rác lâu, lại tạo được phân bón cho cây trồng, bảo vệ môi trường

Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất Tiến Ngọc vừa đưa thùng rác compost đến hàng trăm hộ dân các tỉnh Đồng Nai, Long An, Khánh Hòa… để sử dụng thử. Sản phẩm đặc biệt tiện ích này ngay lập tức được người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, nhiệt tình đón nhận.

Quá nhiều tiện ích

Từ trước đến nay, người dân có thói quen sử dụng thùng rác thông thường, khá bất tiện cho việc thu gom rác và bảo quản vệ sinh kém. Trong khi đó, việc sử dụng thùng rác compost Tiến Ngọc mang lại nhiều tiện ích như giảm thiểu xả rác ra môi trường, giảm được thời gian đổ rác (1 tuần hoặc 1 tháng mới đổ rác 1 lần). Đặc biệt, người dân có được phân compost sạch để bón cây.

Chúng tôi có chuyến đi thực tế đến huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu về hiệu quả sử dụng của sản phẩm này. Chị Lê Thị Thương, cán bộ UBND xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), cho biết chị là người tiên phong sử dụng thùng compost. “Tôi nghe nói dùng thùng compost này vừa chứa được nhiều rác lại vừa có phân bón cho cây xanh, bảo vệ được môi trường nên rất thích thú, nhận về sử dụng ngay và thực tế, hiệu quả khá cao”. Gia đình chị Thương có 5 người. Khi có thùng compost, mọi người trong gia đình phải tập thói quen phân loại rác. Mỗi lần vứt rác, túi ni lông, các chất không phân hủy được bỏ vào thùng rác vô cơ còn rau xanh, vỏ trái cây, thức ăn thừa như đầu cá, ruột cá (hữu cơ) bỏ vào thùng compost. Chị nói: “Lúc đầu, việc phân loại rác cũng hơi khó khăn nhưng sau 4 tháng thói quen phân loại rác tại nhà đã hình thành, mọi thành viên trong gia đình có thể tự phân loại rác. Sau vài tháng, tôi lấy được một ít phân compost từ những thức ăn thừa đó để  bón rau xanh”.

Nhà anh Trần Quốc Ninh ở trong một con hẻm sâu thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An. Trước đây, mỗi lần đi đổ rác, gia đình anh phải mang rác đi thật xa mới đến điểm tập kết của xe chở rác. Từ ngày sử dụng thêm thùng rác compost, mỗi tháng anh mới đi đổ rác 1 lần và sau 4 tháng sử dụng, anh thu được khoảng 3 kg phân compost. “Để sử dụng thùng rác compost, cần làm đúng hướng dẫn, vị trí lắp đặt phù hợp, hạn chế nước mưa, chỉ bỏ rác hữu cơ, thời gian đầu thêm một ít mùn cưa hoặc lá khô, giúp chất thải trong thùng khô ráo, dễ phân hủy, không phát sinh mùi. Cứ 3-5 ngày có thể lấy nước thải pha loãng với 10 lần nước tưới cho cây, sử dụng rất đơn giản nhưng hiệu quả” – anh Ninh chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Trần Quốc Ninh ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai sử dụng thùng rác compost

Sản phẩm vì môi trường

Ông Trương Anh Tuyền, Giám đốc điều hành Công ty Tiến Ngọc, cho biết công ty chuyên sản xuất thùng rác công cộng, cung cấp cho TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Năm 2014, Công ty Tiến Ngọc chuyển sang nghiên cứu thùng rác tái chế chất hữu cơ thành phân compost.

Theo ông Tuyền, hiện giá thành của thùng rác compost cao hơn thùng rác thông thường vì sản xuất số lượng nhỏ và sử dụng chất liệu composite. Tuy nhiên, nếu nhận được đơn hàng số lượng lớn thì giá thành của thùng rác compost sẽ rẻ hơn rất nhiều, tương đương với thùng rác thông thường.

Là người làm trong ngành môi trường hơn 10 năm, ông Tuyền rất tâm huyết với sản phẩm thùng rác compost mà công ty đã nghiên cứu chế tạo thành công. Đây là mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều nước tiên tiến. Theo tính toán của Công ty Tiến Ngọc, khi sử dụng thùng rác compost thay cho thùng rác thông thường sẽ giảm khoảng 40% rác thải sinh hoạt.

Được biết thành phần rác thải của Việt Nam hiện nay có khoảng 80% là rác hữu cơ, phần lớn đều sử dụng công nghệ chôn lấp. Trong khi đó, rác hữu cơ có thể tái chế thành phân compost. Thùng rác compost là một trong những giải pháp giúp người dân tự tái chế rác hữu cơ thành phân compost, giảm đáng kể chi phí thu gom rác, tiết kiệm chi phí vận chuyển, xử lý chất thải, tiết kiệm quỹ đất cho bãi chôn lấp, tiết kiệm được nguồn nước… Đặc biệt, đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo thêm dinh dưỡng miễn phí cho đất qua sử dụng phân bón tự nhiên, giảm sử dụng phân hóa học.

Đưa thùng rác compost về nông thôn

Được biết trong thời gian qua, Công ty Tiến Ngọc đã đưa thùng rác compost cho người dân ở các địa phương sử dụng thử và có phản hồi tốt. So với các thùng rác compost có đục lỗ mà người dân ở ĐBSCL sử dụng trước đó thì thùng rác compost Tiến Ngọc đã khắc phục được các nhược điểm: không có mùi hôi, không rỉ nước… Mục tiêu của Công ty Tiến Ngọc là đưa thùng rác compost đến các vùng nông thôn, nhất là ở các tỉnh ĐBSCL nhằm giúp bà con nông dân sử dụng để lấy phân bón cho cây trồng, hạn chế rác thải ra môi trường, góp phần làm cho môi trường xanh, sạch đẹp.

Nguồn:Hồng Thúy – Báo Người lao động

“Tận dụng” thùng rác compost

“Tận dụng” thùng rác compost

Hiện thùng rác compost đang được người dân huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai sử dụng thay thế thùng rác thông thường. Các cơ quan chức năng kỳ vọng từ đây sẽ nhân rộng mô hình phân loại rác hữu cơ – vô cơ ngay tại gia đình. Các loại rác hữu cơ khi được bỏ vào thùng compost cùng với một quy trình đơn giản sẽ phân hủy thành phân bón compost, vừa vệ sinh môi trường vừa tiện lợi, hạn chế tối đa việc phải đi đổ rác hàng ngày.

Chị Lê Thị Thương (ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho rằng, thói quen cần tập ban đầu khi sử dụng thùng rác compost là phân loại rác hữu cơ và vô cơ ngay tại nhà. Loại rác hữu cơ phải để riêng, đến khi cho vào thùng rác compost; còn rác vô cơ thì tùy cách sử dụng như tận dụng hay bán ve chai… Thói quen này cần tập cho tất cả các thành viên trong gia đình, có như vậy mới sử dụng loại thùng rác này hiệu quả. Qua 4 tháng sử dụng, đến nay thùng rác compost nhà chị Thương vẫn chưa đầy và đáy của thùng rác này mới cho ra một ít phân compost.

Được biết, sau khi bỏ rác hữu cơ vào thùng rác compost, trong vòng 8 đến 10 tuần, rác sẽ bị phân hủy thành hơi nước và khí CO2, chỉ khoảng 10% khối lượng còn lại tạo thành phân compost.

Bà Nguyễn Thị Hồng kiểm tra quá trình phân hủy rác hữu cơ thành phân compost sau một thời gian dùng thùng rác compost.

Thùng rác compost nói trên do Công ty Tiến Ngọc (quận 12, TPHCM) kết hợp một số xã của huyện Nhơn Trạch phân phát đến từng gia đình sau một buổi tập huấn sử dụng. Loại thùng rác compost này chịu được 600C, được thiết kế cách nhiệt, kín, tạo nhiệt độ đồng đều, giúp quá trình phân hủy nhanh hơn. Thùng compost còn được cấu tạo bởi các ngăn chứa rỉ rác (nước) tránh gây ô nhiễm; loại nước này pha loãng với công thức “1 rỉ rác + 10 nước” sẽ tạo ra loại phân bón lỏng giàu chất dinh dưỡng khi tưới cho cây trồng.

Anh Trần Quốc Ninh (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết với gia đình chỉ có 2 người như anh thì cả tháng không phải nghĩ đến chuyện đi đổ rác khi dùng thùng rác compost. Các loại thức ăn thừa, vỏ trái cây, hay đầu tôm, xương cá… – tức là rác hữu cơ – đều được cho vào thùng rác compost để phân hủy thành phân compost. Anh còn trồng cả một dàn cây cảnh và dùng phân này bón cho cây. đấy là cái lợi rất lớn từ hơn 4 tháng qua khi anh Ninh dùng thùng rác compost thay cho cách bỏ rác truyền thống là cho vào bịch ni lông chờ người đến gom.

Cũng như anh Ninh, gia đình 5 người của bà Nguyễn Thị Hồng (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) dùng thùng rác compost gần 3 tháng qua, đến nay đã cho ra những mẻ phân compost đầu tiên để bón cho cây. “Lúc đầu sử dụng cũng hơi phiền khi phải phân loại rác tại bếp, nhưng sau đó thành quen và bây giờ cứ hữu cơ để riêng, vô cơ để riêng và cứ thế mà thực hiện”, bà Hồng cho biết. Cần phải làm đúng quy trình như hướng dẫn, đó là điều hết sức cần thiết khi dùng thùng rác compost nhằm tránh mùi hôi. Cụ thể: khi trong thùng compost đã có rác hữu cơ, cần cho vào ít mùn cưa hay lá cây khô… để tạo môi trường cho vi sinh phát triển, phân hủy hữu cơ tốt hơn.

Đến nay, loại thùng rác compost của Công ty Tiến Ngọc đã được cung cấp thí điểm sử dụng phân loại rác tại nguồn ở nhiều địa phương, riêng Đồng Nai đã có gần 100 thùng được đưa đến từng hộ dân, sắp đến sẽ đưa đến tại một số huyện của Long An, Khánh Hòa. Theo thiết kế, mỗi thùng compost có thể phục vụ việc phân hủy rác hữu cơ tại chỗ từ 3 đến 4 gia đình dùng chung, giúp tiết kiệm ngân sách không ít nếu so với cách thu gom rác truyền thống vốn phải gánh các loại phí như phí vận chuyển, phí chôn lấp…

Với những lợi ích như vậy, việc đưa vào sử dụng thùng rác compost tại những điểm nhiều rác thải hữu cơ như bếp ăn tập thể, siêu thị, chợ đầu mối và ngay cả trong khu phố… là hết sức cần thiết. Công ty Tiến Ngọc hy vọng thùng rác compost được sử dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn, ngoại ô, vì nơi đây việc thu gom rác còn nhiều hạn chế.

Nguồn: Bá Tân – Báo Sài Gòn Giải Phóng

Công ty Tiến Ngọc lắp đặt thùng rác đô thị tại Nha Trang

Công ty Tiến Ngọc lắp đặt thùng rác đô thị tại Nha Trang

Đây là thời điểm khẩn trương nhất trong quá trình trang hoàng thành phố Nha Trang thêm tươi xinh, sạch đẹp để đón chào năm mới. Bên cạnh các hạng mục công trình như: vườn hoa, tiểu cảnh, băng rôn, biểu ngữ, đèn hoa tươi sắc, lung linh… các cơ quan chức năng cũng đã tính đến những chi tiết nhỏ nhất, trong đó phải kể đến việc trang bị thêm các thùng rác có hình dáng đẹp mắt, cho xứng tầm với quang cảnh tuyệt đẹp xung quanh.

Theo đó, TP. Nha Trang đã và đang lắp đặt thêm 50 thùng rác được làm từ nhựa loại 120 lít, cao 80cm, có nắp đậy, khung đế bằng sắt và có bánh xe di chuyển dễ dàng. Đặc biệt bên ngoài các thùng rác được đan thêm nhựa giả mây, trông rất đẹp mắt.

Được biết, toàn bộ 50 thùng rác đặc biệt này là tài trợ của siêu thị Maximark Nha Trang với trị giá mỗi cái là 1,55 triệu đồng. Hầu hết số thùng rác này được lắp đặt tại khu vực công viên Yến Phi, nơi diễn ra Hội Hoa Xuân trong dịp Tết cổ truyền. Ngoài ra còn được lắp đặt ở một số tuyến phố chính.

Thùng rác do siêu thị Maximark tài trợ.

Cũng vào thời điểm này, khi người dân đi qua khu vực công viên đài phun nước ngã 7, nơi giao nhau giữa các con đường Nguyễn Chánh, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tôn, Ngô Gia Tự, Tô Hiến Thành sẽ thấy các thùng rác nơi đây đã được thay mới.

Thùng rác do Công ty TNHH TM-SX Tiến Ngọc tài trợ.

Đó là loại thùng rác đôi, được làm từ nhựa cao cấp, chân đế bằng sắt sơn tĩnh điện. Được sơn màu cam nổi bật với nền xanh của cây cối, tạo điểm nhấn giúp mọi người có thể dễ dàng nhận ra nơi bỏ rác đúng quy định nhưng vẫn hài hòa với cảnh sắc xung quanh. Các thùng rác mới được bố trí ở khu vực này do Công ty TNHH TM-SX Tiến Ngọc (TP. HCM) tài trợ với tổng cộng 4 cặp thùng rác và mỗi cặp có trị giá 4,7 triệu đồng.

(Nguồn: Báo Khánh Hóa điện tử)

Thu gom, xử lý rác theo Luật bảo vệ môi trường – không còn nhiều thời gian chuẩn bị

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1-1-2025, các địa phương phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và đầu tư mạnh cho tái chế, tái sử dụng rác một cách hiệu quả. Như vậy, chỉ còn 3 quý nữa để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này, nhưng phản hồi từ thực tế tại TPHCM cho thấy, mọi công tác còn khá ngổn ngang.

Lúng túng với phương tiện thu gom rác dân lập

Khác với nhiều địa phương khác trên cả nước, TPHCM có lực lượng thu gom rác dân lập khá lớn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, lực lượng thu gom rác dân lập đóng một vai trò quan trọng trong việc thu gom rác, đảm bảo vệ sinh môi trường cho thành phố, hiện lực lượng này đang thu gom tới 60% khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng hoạt động thu gom, thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện vận động các hộ, cá nhân thu gom rác dân lập thành hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn còn thô sơ như xe ba gác, xe thùng tự chế… chỉ có 1 ngăn đựng rác (không đựng được rác đã phân loại) sang phương tiện thu gom đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

$5b.jpg
TPHCM đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi các phương tiện thu gom rác

Thống kê của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, TP Thủ Đức và 20/21 quận huyện đã hoàn thành việc việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, còn 1 quận chưa hoàn thành là quận 5 (mới đạt 85,1%). Cụ thể, có 2.520/2.553 tổ, đường dây thu gom rác dân lập vận động tham gia vào HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỷ lệ 98,7%), còn khoảng 33 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn thành phố; 208 công ty tư nhân thu gom rác đang hoạt động trên địa bàn; 35 HTX hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác tại nguồn và 1 Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm.

Công tác vận động chuyển đổi phương tiện thu gom rác đạt chuẩn cũng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Từ năm 2021 đến nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát, chuyển đổi được 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt. Qua cập nhật báo cáo của các địa phương, tổng số lượng phương tiện thu gom hiện hữu của thành phố là 6.414, trong đó vẫn còn 2.378 phương tiện không đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 37% và 4.036 phương tiện đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 63%. Nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới là 1.883 phương tiện với nhu cầu vốn vay khoảng 228,89 tỷ đồng.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, cứ khoảng từ 8-9 giờ sáng mỗi ngày, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Phan Lê lại điều khiển một chiếc xe máy cà tàng có gắn thùng chứa rác len lỏi vào hẻm 83, đường 6, phường An Khánh, TP Thủ Đức để đi gom rác. Theo ghi nhận, thùng rác đã được nâng cấp, không còn rò rỉ nước rác so với cách đây 3 năm, nhưng vẫn không đạt yêu cầu, thùng vẫn chỉ có một ngăn, không có nắp đậy, khi người thu gom cào bới, lượm ve chai thì mùi hôi thối vẫn phát ra. Không chỉ ở hẻm 83 mà còn rất nhiều hẻm nhỏ ở các quận, huyện khác, tình trạng đơn vị thu gom vẫn sử dụng phương tiện thu gom thô sơ còn rất phổ biến.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Phòng TN-MT quận Bình Tân cho biết, thành phố chưa ban hành kế hoạch phân loại rác theo tiêu chí mới nên chưa giao các đơn vị trang bị xe 2 ngăn. Đại diện Phòng TN-MT huyện Bình Chánh thì cho rằng, do chưa có thiết kế mẫu xe chung đối với phương tiện thu gom rác trong hẻm nhỏ nên các đơn vị cũng chưa biết trang bị như thế nào. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm, việc sử dụng xe thu gom rác có thùng 1 ngăn hay 2 ngăn là tùy vào mục đích sử dụng của các đơn vị thu gom. Các đơn vị tự tính toán, bố trí phương tiện sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa bàn.

Về phía lực lượng thu gom rác dân lập, ông Phạm Văn Khanh, Giám đốc HTX Môi trường quận 5, cho biết, mặc dù thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quỹ bảo vệ môi trường có chính sách hỗ trợ từ 70%-80% nguồn vốn vay, nhưng muốn được vay khoản tiền này, đơn vị cho vay phải yêu cầu thế chấp, chứ không cho tín chấp, mà thế chấp thì lấy gì thế chấp? Hiện nay, người thu gom rác thu nhập bình quân chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Tái chế có điểm sáng, nhưng…

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện nay, TPHCM đang tồn tại 2 thị trường tái chế chất thải sinh hoạt bao gồm, thị trường phi chính thức và thị trường chính thức. Thị trường tái chế phi chính thức chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, chuyên tái chế các loại phế liệu như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh. Phần lớn các cơ sở tái chế tập trung ở quận 5, 11, Bình Tân, huyện Bình Chánh… Nhìn chung, các cơ sở tái chế loại này có công nghệ lạc hậu và thường không đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động tái chế, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng xung quanh.

Thị trường chính thức chủ yếu là các doanh nghiệp tái chế được cấp phép hoạt động theo quy định. Ghi nhận thực tế tại nhà máy tái chế rác sinh hoạt của Công ty Vietstar (nhà máy đặt tại Khu xử lý rác Tây Bắc Củ Chi) cho thấy, nhà máy đã đầu tư một dây chuyền xử lý và rác sau khi được các xe tải gom về sẽ được cho vào kho, rồi ép khô. Tất cả xe tải chở rác trước và sau khi ra vào nhà máy đều được xịt nước vệ sinh sạch sẽ. Khi tiến hành xử lý, rác được chuyển lên dây chuyền và được phân loại một cách tự động (kim loại ra kim loại, nhựa ra nhựa, thực phẩm riêng), sau đó sẽ được chuyển tiếp qua các dây chuyền khác để thực hiện cắt, trộn, nghiền… Tất cả công đoạn đều khép kín bằng máy móc.

Theo ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietstar, Vietstar đang tiếp nhận, xử lý khoảng 2.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày. Phân bón compost của Vietstar đã được sử dụng ở quy mô lớn tại Tây Nguyên, miền Nam và miền Đông… Ngoài ra, sản phẩm phân hữu cơ từ tái chế của công ty cũng được xuất khẩu sang Thái Lan.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cũng cho biết, hiện nay công ty cũng đang triển khai dự án tái chế chất thải nhựa y tế không nguy hại thành các hạt nhựa có thể tái sử dụng. Xưởng tái chế được đặt tại công trường xử lý rác thải Gò Cát, quận Bình Tân, với công suất khoảng 2 tấn/ngày. Chất thải nhựa y tế không nguy hại được thu gom và vận chuyển đến xưởng tái chế Gò Cát.

Hạt nhựa được tạo ra từ việc tái chế chất thải nhựa ở Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu
Hạt nhựa được tạo ra từ việc tái chế chất thải nhựa ở Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu

Ghi nhận tại nhà máy xử lý rác của Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (mAc – nhà máy đặt tại Khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh), cũng cho thấy, công ty đã đầu tư dây chuyền tái chế nhựa và tái chế dầu nhờn khá hiện đại. Đối với chất thải là nhựa, sau khi thu gom về sẽ được phân loại bằng cách thủ công (nhựa dẻo, nhựa cứng riêng biệt), sau đó, sẽ được đưa lên dây chuyền xử lý và thành phẩm là những hạt nhựa. Hạt này sẽ được dùng để sản xuất các bao ni lông đựng rác. Ông Trương Kiên Dũng, Tổng Giám đốc mAc, cho biết, công ty đã đầu tư, xây dựng nhà máy tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp với công suất 500 tấn/ngày, giai đoạn 1 là 313 tấn/ngày.

Thùng Phân Hủy Rác Hữu Cơ 240 Lít

Hoạt động giao hàng thường xuyên của công ty Tiến Ngọc đến khách hàng luôn đi kèm theo dịch vụ chăm sóc khách hàng tối ưu:

  • Tư vấn khi khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm
  • Giao hàng tận nơi đến tay người tiêu dùng
  • Tổ chức tập huấn – hướng dẫn sử dụng thực tế
  • Chăm sóc khách hàng thường xuyên sau bán hàng
Thùng Compost 240 Lít Cty Tiến Ngọc bàn giao cho Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Chợ Gạo – Tỉnh Tiền Giang
Thùng Compost 240 Lít Cty Tiến Ngọc bàn giao cho Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Chợ Gạo – Tỉnh Tiền Giang

Tại sao phải sử dụng thùng rác phân loại?

Việc phân loại rác rất tốn thời gian và không ai thích làm. Chính vì thế, thùng rác phân loại ra đời đã giúp tiết giảm phần lớn chi phí nhân công, vận chuyển và xử lý. Đây được xem là vật dụng đứng đầu, không thể thiếu trong chiến dịch phân loại rác thải.

Thùng rác phân loại được sử dụng khi người dùng có mục đích sử dụng phân từng loại rác thải theo các nhóm nhất định, như: rác thải hữu cơ, rác thải y tế, rác thải tái sử dụng, rác thải nguy hại…. Bằng việc phân loại theo màu sắc đặc trưng, ký hiệu trên thùng rác,…giúp người dùng có thể nhận dạng các loại rác thải trước khi vứt vào thùng.

Tiết kiệm số lượng thùng rác phân loại

Vậy thử làm một bài toán nhỏ đầu tiên cho việc nếu đầu tư thùng rác phân loại ngay từ đầu, bạn sẽ thấy được chúng ta đang lãng phí một khoảng tiền rất lớn. Vì lượng rác thải ra là không đổi, tuy nhiên do rác bị vứt lộn xộn không được phân loại rác ngay lúc đầu dẫn đến các loại rác có kích thước khác nhau chồng chéo lên nhau gây ra tình trạng chiếm diện tích thùng rác.

thùng rác phân loại có nhiều màu sắc để lựa chọn
Thùng rác phân loại là khoản đầu tư thông minh giúp tiết kiệm chi phí.

Còn nếu sử dụng thùng rác phân loại rác thì như thế nào? Rác sẽ được phân loại theo những ký hiệu, tên trên thùng rác phân loại được quy định như: thùng chứa rác hữu cơ, thùng chứa rác thải y tế, thùng chứa rác vô cơ, thùng chứa rác thải nguy hại…v.v. Như vậy các loại rác cùng nhóm được phân loại ra làm gia tăng diện tích thùng chứa.Vậy số lượng thùng rác phân loại sẽ được giảm đi đáng kể nhờ gia tăng diện tích chứa rác.

Tiết kiệm chi phí nhân công phân loại rác

Có bao giờ ai đó trả tiền cho việc bạn bỏ rác vào thùng chưa? Chẳng ai cả, nhưng có thể bị phạt nếu vứt rác lung tung nhé. Chúng ta được vận động, được tuyên truyền hãy vứt rác đúng nơi quy định và hãy phân loại rác trước khi cho vào thùng.

Thùng rác có nhiều kieur dáng, mẫu mã phù hợp mỹ quan đô thị
Thùng rác phân loại với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đa dạng

Việc dựa vào những cái có sẵn luôn luôn là miễn phí, vậy tại sao chúng ta không tận dụng những thứ không cần trả phí tạo nên lợi ích to lớn hơn. Việc phân loại rác thải sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi mỗi người cùng chung tay thực hiện, việc tạo nên những thói quen để phân loại rác thải trước khi vứt sẽ nhờ vào đầu tư đúng nơi, đúng chỗ. Thùng rác phân loại rác sẽ thay đổi, tạo nên những thói quen phân loại rác ngay từ lúc ban đầu.

Nếu như lúc bình thường, thùng rác phân loại gia đình có màu sắc đồng nhất không có bất kỳ ký hiệu, phân biệt màu sắc nào thì người vứt rác sẽ hình thành thói quen và hầu như mặc định vứt rác khi thấy thùng rác. Nhưng nếu chúng ta thay đổi sự chú ý bằng các màu sắc khác nhau, ký hiệu khác nhau bằng thùng rác phân loại thì người vứt rác sẽ bị thu hút bởi sự thay đổi, từ đó hình thành nên các phản xạ. Ban đầu là sự hiếu kỳ, thắc mắc, tìm hiểu,…dần dần thói quen phân loại rác sẽ được hình thành.

Nhờ vào đó việc phân loại rác sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất rất lớn để thuê nhân công phân loại tất cả các loại rác bị trộn lẫn vào nhau. Như chúng ta đều biết, rác được phân ra rất nhiều loại từ rác thải hữu cơ (rau, củ, quả,…), rác thải tái chế (chai nhựa, cốc thủy tính,..), rác thải nguy hại (pin, bóng đèn bể,….)….tất cả đều phải được phân loại trước, nếu rác tái chế vẫn có thể đi tái chế, những rác thải nguy hại phải được đưa vào đúng nơi tiêu hủy tránh tác động môi trường,….v.v.. nhằm đảm bảo, phục vụ các công đoạn tiếp theo. Chúng ta không phân tích sâu vào những giai đoạn sau đó mà hãy cùng nhìn lại phần chi phí phải bỏ ra để thuê nhân công phân loại rác và mục đích đạt được là gì?

Đa dạng hóa – Phù hợp mục đích sử dụng

Thùng rác phân loại rác đã không ngừng được cải tiến thành nhiều loại khác nhau phục vụ cho các mục đích, khu vực nhằm tối ưu hóa. Hiện nay, ta có thể thấy các loại thùng rác cơ bản như thùng rác phân loại 2 ngăn, thùng rác phân loại 3 ngăn, 4 ngăn…. Và từng loại thùng trên lại được tạo nên từ nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau: thùng rác phân loại gia đình bằng nhựa composite, nhựa nguyên sinh HDPE, thùng rác phân loại bằng inox,…với nhiều thiết kế mẫu mã đẹp.

Tùy vào nhu cầu sử dụng tại các khu vực khác nhau như: chung cư, trường học, công viên, chợ,… mà sử dụng các thùng rác phân loại phù hợp tạo nên mỹ quan mỹ quan đô thị. Việc xác đinh đúng mục đích giúp tiết kiệm về không gian và cả chi phí, tránh lãng phí tài nguyên sử dụng.

Với tất các lợi ích mà thùng rác phân loại đem lại, vậy tại sao chúng ta không đưa nó vào lựa chọn hàng đầu khi mua sắm. Đặc biệt là trong tương lai các luật bắt buộc phân loại rác tại nguồn, luật về chi phí phải trả cho lượng rác thải ra,…v.v..thì phân loại rác tại nguồn là cách tốt nhất giúp tối ưu hóa chi phí. Mua thùng rác nào cũng là mua vậy tại sao không phải là “thùng rác phân loại” ngay từ ban đầu.

Thông Báo Lịch Nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Giải Phóng Miền Nam 30/04 Và Quốc Tế Lao Động 01/05

Kính gửi Quý khách !

Công ty TNHH TM – SX Tiến Ngọc trân trọng thông báo đến Quý khách lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2020, mừng ngày Giải phóng miền Nam 30/04 và Quốc tế Lao động 01/05 như sau:

– Giỗ tổ Hùng Vương: Nghỉ 01 ngày

  • Thứ Năm (02/04/2020): Nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương

– Giải phóng miền Nam 30/04 và Quốc tế Lao động 01/05: Nghỉ 02 ngày

  • Thứ Năm (30/04/2020): Nghỉ lễ Giải phóng miền Nam
  • Thứ Sáu (01/05/2020): Nghỉ lễ Quốc tế Lao động

    Kính chúc Quý khách và gia đình kỳ nghỉ lễ vui vẻ và ý nghĩa!

    Trân trọng !