“Tận dụng” thùng rác compost
Hiện thùng rác compost đang được người dân huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai sử dụng thay thế thùng rác thông thường. Các cơ quan chức năng kỳ vọng từ đây sẽ nhân rộng mô hình phân loại rác hữu cơ – vô cơ ngay tại gia đình. Các loại rác hữu cơ khi được bỏ vào thùng compost cùng với một quy trình đơn giản sẽ phân hủy thành phân bón compost, vừa vệ sinh môi trường vừa tiện lợi, hạn chế tối đa việc phải đi đổ rác hàng ngày.
Chị Lê Thị Thương (ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho rằng, thói quen cần tập ban đầu khi sử dụng thùng rác compost là phân loại rác hữu cơ và vô cơ ngay tại nhà. Loại rác hữu cơ phải để riêng, đến khi cho vào thùng rác compost; còn rác vô cơ thì tùy cách sử dụng như tận dụng hay bán ve chai… Thói quen này cần tập cho tất cả các thành viên trong gia đình, có như vậy mới sử dụng loại thùng rác này hiệu quả. Qua 4 tháng sử dụng, đến nay thùng rác compost nhà chị Thương vẫn chưa đầy và đáy của thùng rác này mới cho ra một ít phân compost.
Được biết, sau khi bỏ rác hữu cơ vào thùng rác compost, trong vòng 8 đến 10 tuần, rác sẽ bị phân hủy thành hơi nước và khí CO2, chỉ khoảng 10% khối lượng còn lại tạo thành phân compost.
Thùng rác compost nói trên do Công ty Tiến Ngọc (quận 12, TPHCM) kết hợp một số xã của huyện Nhơn Trạch phân phát đến từng gia đình sau một buổi tập huấn sử dụng. Loại thùng rác compost này chịu được 600C, được thiết kế cách nhiệt, kín, tạo nhiệt độ đồng đều, giúp quá trình phân hủy nhanh hơn. Thùng compost còn được cấu tạo bởi các ngăn chứa rỉ rác (nước) tránh gây ô nhiễm; loại nước này pha loãng với công thức “1 rỉ rác + 10 nước” sẽ tạo ra loại phân bón lỏng giàu chất dinh dưỡng khi tưới cho cây trồng.
Anh Trần Quốc Ninh (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết với gia đình chỉ có 2 người như anh thì cả tháng không phải nghĩ đến chuyện đi đổ rác khi dùng thùng rác compost. Các loại thức ăn thừa, vỏ trái cây, hay đầu tôm, xương cá… – tức là rác hữu cơ – đều được cho vào thùng rác compost để phân hủy thành phân compost. Anh còn trồng cả một dàn cây cảnh và dùng phân này bón cho cây. đấy là cái lợi rất lớn từ hơn 4 tháng qua khi anh Ninh dùng thùng rác compost thay cho cách bỏ rác truyền thống là cho vào bịch ni lông chờ người đến gom.
Cũng như anh Ninh, gia đình 5 người của bà Nguyễn Thị Hồng (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) dùng thùng rác compost gần 3 tháng qua, đến nay đã cho ra những mẻ phân compost đầu tiên để bón cho cây. “Lúc đầu sử dụng cũng hơi phiền khi phải phân loại rác tại bếp, nhưng sau đó thành quen và bây giờ cứ hữu cơ để riêng, vô cơ để riêng và cứ thế mà thực hiện”, bà Hồng cho biết. Cần phải làm đúng quy trình như hướng dẫn, đó là điều hết sức cần thiết khi dùng thùng rác compost nhằm tránh mùi hôi. Cụ thể: khi trong thùng compost đã có rác hữu cơ, cần cho vào ít mùn cưa hay lá cây khô… để tạo môi trường cho vi sinh phát triển, phân hủy hữu cơ tốt hơn.
Đến nay, loại thùng rác compost của Công ty Tiến Ngọc đã được cung cấp thí điểm sử dụng phân loại rác tại nguồn ở nhiều địa phương, riêng Đồng Nai đã có gần 100 thùng được đưa đến từng hộ dân, sắp đến sẽ đưa đến tại một số huyện của Long An, Khánh Hòa. Theo thiết kế, mỗi thùng compost có thể phục vụ việc phân hủy rác hữu cơ tại chỗ từ 3 đến 4 gia đình dùng chung, giúp tiết kiệm ngân sách không ít nếu so với cách thu gom rác truyền thống vốn phải gánh các loại phí như phí vận chuyển, phí chôn lấp…
Với những lợi ích như vậy, việc đưa vào sử dụng thùng rác compost tại những điểm nhiều rác thải hữu cơ như bếp ăn tập thể, siêu thị, chợ đầu mối và ngay cả trong khu phố… là hết sức cần thiết. Công ty Tiến Ngọc hy vọng thùng rác compost được sử dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn, ngoại ô, vì nơi đây việc thu gom rác còn nhiều hạn chế.
Nguồn: Bá Tân – Báo Sài Gòn Giải Phóng